Một số kinh nghiệm bạn cần biết khi định cư Canada
Kinh nghiệm thứ nhất là học viên phải xác định được mình học trường nào, ngành nào bởi vì điều kiện định cư là phải có việc làm.
Canada được biết đến là một đất nước thanh bình, chất lượng giáo dục cao cộng với chế độ việc làm rộng mở đối với sinh viên Quốc tế. Học tại Canada, học viên được phép làm thêm 20 giờ/tuần và lên tới 40 giờ/tuần trong các kỳ nghỉ lễ. Học viên được ở lại tìm việc tối đa 3 năm sau khi học xong, trong lúc tìm việc, học viên hoàn toàn có thể xin đi làm thêm (không giới hạn số giờ làm).
Nếu tại Mỹ mất 3 năm để được cấp thẻ xanh hoặc 2 năm để xin định cư tại Úc thì Chính phủ Canada thông thường chỉ yêu cầu 1 năm làm việc tại Canada sau khi học viên hoàn thành khóa học (Được phép cộng cả công việc bán thời gian và toàn thời gian). Năm 2014 với chính sách mở cửa định cư, chính phủ Canada tăng gấp đôi chỉ tiêu lượng dân nhập cư so với năm 2013 càng khiến cho Canada càng trở thành vùng đất “nóng” cho du học sinh. Nhưng định cư tại Canada bằng con đường nào? Đó lại là một câu hỏi mang nhiều ẩn số. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một vài kinh nghiệm để bạn có thể chuẩn bị trước đường hướng cho bản thân nếu bạn đang nuôi mộng định cư tại Canada.
Kinh nghiệm thứ nhất là học viên phải xác định được mình học trường nào, ngành nào bởi vì điều kiện định cư là phải có việc làm. Bởi vậy, việc tìm hiểu và lựa chọn trường có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường và có việc làm cao là điều kiện tiên quyết. Hơn thế nữa, một lưu ý quan trọng là một số tỉnh ở Canada không chấp nhận đơn định cư của sinh viên theo học trường tư. Hãy cố gắng đi học tại nước bạn muốn lập nghiệp. Bởi vì, nhiều khi trong lúc chưa xin được việc như ý thì đi học, khi có việc rồi lại bỏ dở.Nhưng thời gian đi học cho mình những kinh nghiệm rất quý báu. Không hẳn là học lấy kiến thức chuyên môn, mà khi đi học là mình sẽ có cơ hội hội nhập, học được cách làm việc, suy nghĩ của bản xứ. Hệ thống giáo dục Canada rất tốt. Điển hình đi học ở Montréal có chi phí rất rẻ, chỉ khoảng 3.000-5.000 đô la một năm ở bất cứ đại học nào, với điều kiện bạn là thường trú dân. Bạn cũng sẽ được chính phủ cho vay tiền không mất lãi để đi học. Điều kiện và thủ tục vay vô cùng đơn giản.
Hơn nữa, hầu hết các việc làm ở Canada được gọi là hidden jobs nghĩa là đều phải thông qua giới thiệu. Vì vậy, bạn phải có một mối quan hệ rộng và tốt. Học tập tại Canada, học viên được khuyến khích tham gia các công tác xã hội, cộng đồng, từ thiện…để thể hiện sự đóng góp của bạn cho đất nước Canada và cũng là công cụ làm sáng CV hay resume khi xin việc. Học viên cũng có thể được giới thiệu việc làm từ thầy cô hướng dẫn, giảng dạy… hoặc qua các chương trình thực tập. Thực tế, có rất nhiều sinh viên quốc tế được nhận vào làm chính thức sau khóa thực tập tại các doanh nghiệp do trường giới thiệu.
Trong trường đại học người ta sẽ buộc mình học cật lực với những bài tập liên tiếp, thuyết trình có tính điểm. Nhưng mình cũng sẽ được tạo mọi điều kiện để học tốt. Bạn gần như không bao giờ có thể nói thiếu tài liệu sách vở khi đi học ở Canada vì bất cứ cuốn sách nào bạn cần nếu thư viện không có thì chỉ cần cho biết tên sách và tác giả, thư viện sẽ liên hệ để mượn về cho bạn, dù cuốn sách đó chỉ có ở một nước xa xôi nào đó như Phillipines hay Phần Lan. Các giáo sư ngoài giờ dạy và nghiên cứu luôn có mặt ở phòng làm việc trong trường để sinh viên có thể đến trao đổi thêm. Những buổi hội thảo khoa học được tổ chức liên tục và thường diễn ra vào giờ nghỉ trưa, thường có phục vụ nước và bánh mì miễn phí. Vừa được ăn trưa miễn phí vừa được gặp gỡ trao đổi với những nhà khoa học trong lĩnh vực mình quan tâm. Điều này cho thấy trường luôn quan tâm tạo mọi điều kiện cho mình học tốt.
Kinh nghiệm tiếp theo mình phải hiểu và chấp nhận thực tế. Phải hiểu là mình đang đi lập nghiệp ở nước khác, nơi đó các công ty thường quan trọng bạn làm được gì chứ không phải có học gì, biết gì. Phải chấp nhận thực tế là mình đang ở đất khách quê người, đương nhiên các công ty thích tuyển người bản xứ hơn vì nghĩ rằng họ có thể làm tốt hơn. Cũng phải chấp nhận thực tế là không phải mình có trình độ, bằng cấp là sẽ xin được việc tương xứng. Mình cần chấp nhận bắt đầu ở mức thấp hơn khả năng và cố gắng chứng tỏ năng lực. Ở những nước đa sắc tộc như Canada, Mỹ, Australia thì khi đã thực sự chứng tỏ được khả năng, các công ty sẽ không ngần ngại cho bạn nhảy vọt lên vị trí cao hơn lúc khởi đầu. Bởi vì, người ta chỉ coi trọng cái bạn có thể làm, không cần biết bạn từ đâu đến, bắt đầu thế nào.
Điều cuối cùng là bạn phải kiên trì và tin vào lựa chọn của mình. Đừng đi Canada hay một nước nào đó lập nghiệp rồi lại nghĩ sao mình không qua Mỹ hay đâu đó cho ấm áp, sôi động hơn… hay nghĩ sao khó khăn quá thôi mình bỏ cuộc quay về. Ở đâu cũng có nhiều khó khăn và thuận lợi. Sống và làm việc ở trong nước hay một nước ngoài nào đó thì cũng cần phải nỗ lực hết mình.
Sống và làm việc ở đâu, với ai – điều này tùy thuộc vào lựa chọn của bạn nhưng một khi đã quyết tâm thì nên theo đuổi đến cùng.
Leave a Reply