Tại sao Úc ngày càng khó nhập cư theo diện kinh tế
Trước đây dù chương trình nhập cư diện kinh tế của Úc chia thành rất nhiều loại visa tạm trú, thường trú khác nhau nhưng yêu cầu chứng minh tài chính lớn nhất cũng chỉ dừng ở mức 1,125 triệu AUD, đi kèm với cam kết đầu tư cao nhất là 750.000 AUD.
Bên cạnh chương trình nhập cư theo diện Doanh nhân, Đầu tư trị giá 1,5 triệu AUD, Chính phủ Úc vừa giới thiệu hai chương trình đầu tư nhập cư với trị giá lên đến 5 triệu và 15 triệu AUD.
Theo thống kê của Bộ Quốc tịch và Bảo vệ biên giới Úc (số liệu giai đoạn 2013-2014), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nhiều người trở thành công dân nước này nhất. Để có thể trở thành thường trú nhân Úc, người Việt có thể làm hồ sơ theo các diện bảo lãnh, diện tay nghề hoặc diện kinh tế (doanh nhân hoặc đầu tư).
Trước đây dù chương trình nhập cư diện kinh tế của Úc chia thành rất nhiều loại visa tạm trú, thường trú khác nhau nhưng yêu cầu chứng minh tài chính lớn nhất cũng chỉ dừng ở mức 1,125 triệu AUD, đi kèm với cam kết đầu tư cao nhất là 750.000 AUD. Đó là lý do một số người Việt đã thành công trong việc xin thêm quốc tịch Úc trong giai đoạn này.
Tuy nhiên sau ngày 1/7/2012, Úc đã tiến hành một loạt thay đổi nhằm tái cấu trúc chương trình theo hướng tích cực hơn. Cụ thể, các loại visa tạm trú diện kinh tế đã được nhóm thành một loại visa duy nhất mang tên 188. Những người đã sở hữu visa tạm trú 188 và đảm bảo đủ điều kiện sẽ được cấp visa thường trú diện kinh tế 888. Trong giai đoạn này, hệ thống xử lý hồ sơ trực tuyến EOI (cho phép ứng viên nộp hồ sơ điện tử để xem xét trước) và thang điểm di trú (tính điểm cho ứng viên theo các tiêu chí tuổi tác, kinh nghiệm, trình độ học vấn…) cũng ra đời. Quan trọng nhất, số tiền đầu tư của tất cả các diện nhập cư đã tăng gấp đôi, lên mức cao nhất là 1,5 triệu AUD.
Dù đã tăng số tiền đầu tư lên gấp đôi nhưng cơ quan di trú Úc vẫn luôn ở trong tình trạng quá tải hồ sơ. Nắm bắt được tiềm lực tài chính dồi dào của người nước ngoài, đặc biệt là các ứng viên Trung Quốc, chính phủ nước này đã đưa vào thí điểm hai diện nhập cư giá trị lớn là đầu tư trọng yếu (The Significant Investor visa – SIV) trị giá 5 triệu AUD và đầu tư cao cấp (The Premium Investor visa – PIV) trị giá 15 triệu AUD. Sau nhiều lần cân nhắc sửa đổi, bổ sung luật thì mới đây, Úc đã ban hành khung chương trình dành cho hai diện nhập cư nói trên với độ khó ngày một tăng lên.
Bản thân số tiền đầu tư 5 triệu AUD hay 15 triệu AUD đã là những con số rất lớn, nhưng đáng nói nhất là các nhà đầu tư sẽ không còn được quyền rót toàn bộ số vốn khổng lồ này vào các hạng mục an toàn như trái phiếu Chính phủ và bất động sản. Thay vào đó là các hạng mục đầu tư mang nhiều tính rủi ro hơn. Giờ đây, nhà đầu tư SIV sẽ phải chia nhỏ khoản vốn 5 triệu AUD của mình vào 3 hạng mục chính gồm một quỹ đầu tư mạo hiểm của Úc (ít nhất 500.000 AUD), các công ty đầu tư đã niêm yết trên sàn chứng khoán (ít nhất 1,5 triệu AUD), một hoặc nhiều quỹ quản lý theo chỉ định, bất động sản (tối đa 10%)… Theo thông báo mới nhất, các thay đổi này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Kể từ thời điểm chương trình đầu tư trọng yếu – SIV ra đời cho đến ngày 31/3/2015, đã có 2.287 hồ sơ trực tuyến được nộp, 1.792 thư mời nộp hồ sơ được ban hành, 1.679 hồ sơ thực nộp và 751 visa được cấp. Thông tin trên cho thấy mặc dù Úc đã liên tục nâng hạn mức đầu tư và “làm khó” ứng viên bằng vô số yêu cầu khắt khe thì vẫn có không ít nhà đầu tư đáp ứng được tiêu chuẩn.
Trong danh sách 5 quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về số lượng hồ sơ nộp đến cũng như được duyệt của chương trình đầu tư trọng yếu, có đến 4 cái tên đến từ châu Á bao gồm Trung Quốc (88,7%), Hong Kong (3,3%), Malaysia (1,5%) và Nhật Bản (0,7%). Điều đó cho thấy tiềm lực tài chính không nhỏ của các ứng viên đến từ châu Á.
Hiện chương trình SIV tạm ngưng và sẽ quay trở lại cùng với chương trình PIV vào ngày 1/7 sắp tới. Dự kiến, một đợt bùng nổ hồ sơ sẽ xảy ra do những ưu thế nổi bật của hai chương trình nói trên. Cụ thể, chương trình PIV cho phép người đứng đơn đi thẳng đến quyền thường trú thay vì phải trải qua giai đoạn tạm trú như các diện doanh nhân, đầu tư hiện nay. Trong khi đó, với chương trình SIV, thời gian yêu cầu có mặt tại Úc của ứng viên cũng được rút ngắn đáng kể. Song song với đó, người đứng đơn cũng có quyền gia hạn visa 2 lần, mỗi lần 2 năm nếu chưa đáp ứng đủ điều kiện xin visa thường trú.
Nhận định về sức cạnh tranh của nhà đầu tư Việt Nam cũng như tương lai các chương trình nhập cư Úc, bà Nguyễn Thị Tú Trinh – Giám đốc Điều hành IMM Group cho rằng việc cho ra đời hai chương trình đầu tư nhập cư giá trị cao SIV và PIV là bước đi tất yếu khi nhu cầu nhập cư ngày một tăng cao và khả năng tài chính của ứng viên quá mạnh.
“Nếu trong tương lai, hai chương trình kể trên hoạt động hiệu quả thì rất có thể các chương trình nhập cư giá trị thấp (diện doanh nhân và đầu tư 1,5 triệu AUD) sẽ bị bãi bỏ hoặc nâng yêu cầu lên gấp đôi, gấp ba để theo kịp xu hướng chung. Do đó, nhà đầu tư Việt Nam nên suy nghĩ và đưa ra quyết định để tận dụng ưu thế khi luật và số tiền đầu tư còn chưa thay đổi”, bà Trinh chia sẻ.
Leave a Reply